Thứ Năm, 2 tháng 11, 2017

Giáo xứ Vô Hốt- Thánh lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời

Lời Chúa: Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. (Ga 14,1)
Theo Francis Mershman, lễ tưởng nhớ các tín hữu đã qua đời được Giáo Hội mừng vào ngày 2.11. Căn bản thần học về lễ này dựa vào niềm tin rằng: Những ai chết trong ân sủng và trong ơn nghĩa của Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh tẩy cách trọn vẹn, thì tuy được bảo đảm về ơn cứu độ muôn đời của mình, vẫn phải chịu một sự thanh luyện sau khi chết, hòng đạt được sự thánh thiện cần thiết để bước vào niềm vui thiên đàng.
Giáo Hội gọi luyện ngục là sự thanh luyện sau cùng này của các người được chọn, hoàn toàn khác với hình phạt của những kẻ bị án phạt. Khi trình bày giáo lý của đức tin về Luyện Ngục tại Công Ðồng Florencia và Trento, cũng như dựa vào một số bản văn Thánh Kinh (1 Cr 3, 15; 1 Pr 1, 7), Giáo Hội nói đến một thứ lửa thanh luyện như sau: “Ðối với một số lỗi lầm nhẹ, ta phải tin có một thứ lửa thanh tẩy trước ngày Phán Xét theo như những gì mà Ðấng là Chân Lý đã dạy ..”.

Sở dĩ chúng ta cần cầu nguyện cho họ là vì các linh hồn mất khả năng tự lập công cho mình nhưng chỉ nhờ công đức của chúng ta cầu thay nguyện giúp cho các ngài. Vả lại, việc cầu nguyện cho các ngài cũng là bổn phận của mỗi người chúng ta – những người đang sống. Vì chúng ta cùng sống trong mầu nhiệm các thánh thông công. Chúng ta là các chi thể của nhau trong cùng một “thân thể duy nhất”, nên chúng ta không thể nào làm ngơ giả điếc khi có một chi thể bị đau đớn.
Tại Giáo xứ Vô Hốt thánh lễ đồng tế lúc 4g30, buổi chiều cha xứ Gioan.B Dâng lễ tại đất thánh Giáo họ An Tràng, đặc biệt sau cơn lũ lụt vừa rồi Giáo họ đã rất vất vả, và ngài đi vẩy nước thánh khắp đất thánh.  Chia sẻ lời chúa: Ngài nhấn mạnh: theo Đạo Công Giáo chúng ta càng phải đạo hiếu với ông bà cha mẹ, anh chị em mình theo điều răn thứ 4 của mười điều răn do Thiên Chúa ban từ trời xuống... Nghĩ về cha mẹ mà công đức của họ quá cao vời khiến chúng ta ngậm ngùi tưởng nhớ và mong làm chút gì đó có ích cho họ... 
Có bạn trẻ hồi ức về tuổi thơ mất mẹ khi còn nhỏ chưa hiểu hết. Thấy vắng mẹ nên hỏi cha:
“Một ngày hỏi mẹ ta đâu?
Cha buồn cố nén giọt sầu hôn con
Bảo rằng mẹ đã lên non
Suối vàng ở đó nhặt xong mẹ về”
Đứa trẻ ngóng mãi, suối vàng ở đâu mà mẹ nhặt mãi không về, khiến lòng buồn và lệ cứ rơi:
“Sớm chiều trông ngóng mẹ quê
Ham chi giầu có mẹ ơi! Con buồn
Mưa tuôn nước đổ trên nguồn
Lệ con tuôn mãi mỏi mòn tháng năm.
Nỗi buồn lại tiếp nỗi buồn, khi đứa trẻ mồ côi nhận ra mẹ về suối vàng là không bao giờ về trần gian nữa, đó là lúc ngậm đau khi mồ côi cả cha lẫn mẹ:
“Nhớ nhung ngậm đắng âm thầm
Thế rồi cha cũng bạc phần ra đi
Lên non tìm mẹ làm chi?
Giật mình... con hiểu biệt ly- vô thường”

Cuộc đời thì vô thường, nay còn mai mất. Dẫu biết vậy, nhưng mất cha mất mẹ là một mất mát mà không có gì bù đắp được, vì cha mẹ là một tác phẩm tuyệt đẹp về tình yêu con người, đó chính là bông hoa đẹp nhất của tạo hóa, là những nốt nhạc trầm bổng, những cung thanh cung điệu của bản nhạc giữa cuộc đời này...























Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét